Những khoảnh khắc chợt đến mà không chờ bạn chạy về lấy máy ảnh. Những lúc như vậy thì điện thoại di động có tính năng chụp ảnh mới có thể giúp bạn lưu giữ những hình ảnh hiếm hoi đó.
Nhưng để làm sao có được tấm hình với chất lượng chấp nhận được thì bạn cần quan tâm tới 4 yếu tố dưới đây.
1. Chọn đối tượng chụp. Hiện nay rất nhiều điện thoại di động đã được trang bị camera với chất lượng cao, trên 3 MegaPixel. Tuy nhiên, không vì thế mà bạn cho rằng nó có thể chụp tốt như máy ảnh truyền thống có cùng "chấm". Không còn gì tệ hơn là bạn sử dụng điện thoại để chụp hình trong hội trường hay sân khấu nhà hát. Bởi sau mọi cố gắng thì tất cả những gì nhận được sẽ chỉ là những khuôn hình tối thui với vài điểm sáng le lói ở giữa. Cho dù camera của điện thoại có cao cấp đến đâu thì bạn cũng chỉ nên chụp những đối tượng tĩnh hoặc chuyển động chậm với phạm vi gần và trong điều kiện sáng thật tốt.
2. Giữ máy thật chặt. Cách giữ máy cho chặt không có nghĩa là bạn phải nắm chặt và gồng cứng tay mà chỉ đơn giản là tránh không để rung máy. Bởi chỉ cần "sai một ly, đi một dặm" và kết quả là một bức hình mờ, nhòe khủng khiếp. Nguyên nhân chính ở chỗ, camera điện thoại có tốc độ chụp rất chậm, không thể thay đổi được chế độ phơi sáng. Để có kết quả tốt nhất, không cách gì khác ngoài việc bạn phải hít một hơi thật sâu, giữ chắc máy, bấm nhẹ nút chụp và cố giữ thêm một lát rồi mới... thở ra từ từ.
3. Kết thúc từ từ. Để có một bức ảnh sắc nét thì bạn cũng nên nhớ rằng camera điện thoại thu nhận hình ảnh sau nhát bấm chụp rất chậm sau đó. Để chính xác, bạn có thể giữ nguyên vị trí máy rồi nhẩm đếm từ 1 đến 3 sau khi nhấn chụp. Trong trường hợp nút chụp "mềm" như của iPhone thì bạn hoàn toàn yên tâm rằng cửa chập thu nhận hình ảnh chỉ hoạt động sau khi ngón tay bạn rời khỏi màn hình đa chạm, đừng tin vào tiếng động giả lập "xoạch xoạch" của máy. Cũng giống như máy ảnh số, dù trong trường hợp nào bạn cũng cần giữ máy trong giây lát sau khi kết thúc.
4. Đặt lại vài thông số camera. Nếu điện thoại của bạn có thể đặt được thông số cho camera thì bạn cần quan tâm tới chế độ ISO. Đây là tính năng nhạy sáng của camera. Trong điều kiện sáng ban ngày ngoài trời, bạn có thể đặt ISO ở chế độ thấp nhất để có được tấm hình mịn màng, ít nhiễu. Ngược lại, trong điều kiện ánh sáng yếu thì hãy đặt ISO càng cao càng tốt để bức ảnh còn có nội dung chứ không chỉ hình "tây đen đi tuần đêm". Ngoài ra còn là thông số về chất lượng JPEG, cần đặt chế độ nén thấp nhất để có được chất lượng ảnh cao nhất.
Ngọc Lan/ theo Lao động